“Trong những năm gần đây, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng và internet, cũng như quá trình công nghệ hóa các giờ dạy học trong trường Tiểu học đã được đẩy mạnh và nâng tầm. Tuy nhiên, thư viện sách vẫn đóng vai trò là chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa kho tàng tri thức vô tận. Do đó việc đọc sách vẫn là một nhu cầu và tìm đến thư viện chính là thể hiện nét văn hóa tri thức, văn hóa đọc với ứng xử đọc.
Là một cán bộ quản lý tôi luôn đặc biệt quan tâm và chú trọng phát triển thư viện của nhà trường. Nhưng ngân sách đầu tư mỗi năm cho thư viện, đặc biệt là kinh phí trang bị thêm nguồn sách thì có hạn. Trong khi các đầu sách được xuất bản mỗi năm thì ngày càng phong phú, đa dạng thể loại và chủ đề. Do vậy, cứ vào đầu năm học, tôi và cán bộ thư viện vô cùng vất vả vì phải chọn lọc, cân nhắc khi lựa chọn bổ sung nguồn sách, làm sao cho vừa phù hợp với nguồn kinh phí, vừa phải đáp ứng nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh. Dù cố gắng nhưng không sao tránh khỏi việc “đầy nhưng chưa đủ”. Nhà trường trang bị thật nhiều và làm đầy các kệ sách nhưng tìm được đúng các tựa sách phù hợp với chương trình giáo dục thì lại chưa đủ, thực sự khó khăn lắm.
Và cho đến khi tiếp cận được “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học”, tôi vô cùng tâm đắc và nhận thấy rằng đây chính là một giải pháp đúng thời điểm và cần thiết đối với thư viện trường Tiểu học hiện nay. Với Danh mục sách này tôi sẽ giải quyết được cả 2 bài toán về đầu tư kinh phí mua sách và thay đổi không gian hoạt động mới cho thư viện.
Thứ nhất, theo Danh mục sách, tôi thấy rằng mỗi một bộ sách của từng khối lớp đều được chiết tính ra mức giá cụ thể, chi tiết và hợp lý. Tôi nghĩ với mức giá này là khả thi để các trường lên kế hoạch dự trù kinh phí từ đầu mỗi năm học cho việc lựa chọn nguồn sách. Ngay cả những trường có nguồn kinh phí dành cho hoạt động thư viện không nhiều thì cũng có thể lên kế hoạch trang bị sách theo phương thức “cuốn chiếu” từng năm theo lộ trình thay sách giáo khoa định hướng chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, với việc định lượng các đầu sách cụ thể như thế này rất thuận tiện và dễ dàng cho việc lên kế hoạch định hướng vận động nguồn vốn xã hội hóa để trang bị sách cho thư viện nhà trường từ phía cha mẹ học sinh. Tôi hi vọng, nếu với mục tiêu đầu tư thiết thực là tạo không gian hình thành văn hóa đọc bổ ích cho học sinh thì phụ huynh sẽ nhất trí ủng hộ và đồng hành cùng với nhà trường.
Thứ hai, tôi cho rằng “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học” là một danh mục theo hướng mở và vô cùng linh hoạt cho thư viện của nhà trường. Bởi lẽ, khi thực hiện danh mục này tại đơn vị, song song với việc trang bị nguồn sách mới thì thư viện nhà trường vẫn tiếp tục tận dụng nguồn sách hiện có để sắp xếp lại theo định hướng chủ đề của hương trình Giáo dục phổ thông 2018. Như thế, vừa không lãng phí nguồn sách cũ ở thư viện mà vừa tăng thêm nhiều tựa sách trong danh mục. Thiết nghĩ, khi danh mục này nếu áp dụng tại mỗi tỉnh thành khác nhau thì lại càng có thêm nhiều nguồn đầu sách bổ sung vào danh mục tùy theo đặc trưng kinh tế - xã hội, lịch sử - địa lý địa phương. Từ đây, Danh mục sách đã được hình thành từ các mối tương quan tạo nên môi trường giáo dục, và định hướng hoạt động thư viện không chỉ giới hạn ở việc giới thiệu và thu hút học sinh giáo viên tìm đến thư viện để đọc sách mà còn có thể chuyển đổi thành không gian các tiết học tại thư viện bằng nguồn sách sẵn có. Cán bộ quản lý chúng tôi sẽ tạo được sự gắn kết hơn nữa giữa hoạt động chuyên môn với hoạt động thư viện một cách hiệu quả trong quá trình đáp ứng nhu cầu đọc và nhu cầu hỗ trợ việc dạy và học ở các khối lớp Tiểu học.
Và cuối cùng, tôi hi vọng “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp Tiểu học” sẽ nhanh chóng đến được với các trường và mỗi năm sẽ có thêm nhiều đầu sách mới được thẩm định đưa vào danh mục để nhà trường hoàn thành sứ mệnh “thay áo mới” cho thư viện nhà trường để khởi nguồn sự chuyển mình trong công cuộc đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục hiện nay”.